Với chủ đề xuyên suốt “ Labo nghiên cứu - tổ chức, chiến lược và điều hành”, toạ đàm đã đón tiếp 5 diễn giả từ các cơ sở đào tạo và nghiên cứu Châu Âu tới trao đổi:
- Bà Laurence DUMOULIN: Nhà nghiên cứu chính trị, Xã hội học hành động công, Giám đốc Labo nghiên cứu Pacte - Labo nghiên cứu Khoa học Xã hội tại Grenoble, thuộc Trung tâm nghiên cứu Khoa học quốc gia Pháp, Tổng Biên tập Tạp chí Luật và Xã hội.
- Ông Pierre SEBBAN: Chuyên gia tư vấn về giáo dục đại học, Giáo sư Đại học Paris Saclay / Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ (USTH), Việt Nam.
- Ông Karl TOMBRE: Phó Hiệu trưởng phụ trách chiến lược hợp tác với Châu Âu và Quốc tế, Đại học Lorraine, Giám đốc điều hành sáng kiến và giám đốc ISITE.
- Ông Thomas VALLEE: Tùy viên Hợp tác khoa học và đại học (ACSU), Đại sứ quán Pháp (Phnom Penh, Campuchia).
- Ông Frédéric VILLIERAS: Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, Phó Hiệu trưởng phụ trách nghiên cứu khoa học, Đại học Lorraine.
Điều phối và dẫn chương trình là Ông Thierry BONTEMS (Nghiên cứu viên, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia Pháp, phụ trách chiến lược và điều hành, thành viên ban lãnh đạo của Labo nghiên cứu Pacte, thành viên dự án PURSEA) và Ông Yves PERRAUDEAU: giảng viên-nghiên cứu viên Đại học Nantes, nguyên cố vấn của Bộ trưởng Bộ giáo dục Campuchia, chuyên gia đánh giá ngoài của dự án PURSEA.
Trong suốt 4 tiếng thảo luận không nghỉ, các diễn giả đã giới thiệu tới người tham dự những thông tin và quan điểm sâu sắc về 5 chủ đề hiện đang thu hút rất nhiều chú ý của giới học thuật trên thế giới, đó là:
- Cách tổ chức một Labo nghiên cứu khoa học, dựa theo chính sách nghiên cứu khoa học của một cơ sở giáo dục đại học (sức hấp dẫn, chủ đề nghiên cứu, tính liên ngành, phương thức tổ chức các hoạt động) – bà Laurence DUMOULIN.
- Tài chính cho nghiên cứu khoa học, đa dạng hóa các nguồn tài chính tài trợ cho nghiên cứu (chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, đối tác quốc tế...), bộ phận phụ trách xây dựng dự án, đề tài nghiên cứu - ông Frédéric VILLIERAS.
- Mối liên hệ giữa đào tạo, nghiên cứu và đào tạo tiến sĩ - ông Thomas VALLEE.
- Phát huy giá trị của nghiên cứu và mối liên hệ với cộng đồng - ông Pierre SEBBAN.
- Công bố nghiên cứu kết quả nghiên cứu và tạp chí khoa học, xếp hạng quốc tế, quảng bá các hoạt động nghiên cứu – đánh giá nghiên cứu khoa học - ông Karl TOMBRE.
Các diễn giả cùng người tham dự đã có những trao đổi rất sôi nổi và bổ ích về những vấn để khá nóng bỏng về hoạt động nghiên cứu khoa học nói chung và việc quản lí, đánh giá các nghiên cứu khoa học nói riêng. Trong bối cảnh các trường đại học Châu Âu và Châu Á, dù là trường công lập hay tư lập, đều đang phải cạnh tranh mạnh mẽ trên các bảng xếp hạng trong nước, trên khu vực và trên thế giới, thì việc có được công bố quốc tế và các chỉ số đi kèm đã trở thành một tiêu chí hết sức quan trọng, gần như bắt buộc và đôi khi là một nghĩa vụ đè nặng lên các nhà nghiên cứu. Họ phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng “công bố hay là chết?”, từ đó bằng mọi cách dấn thân vào “cuộc chạy đua công bố” các kết quả nghiên cứu.
Đa số những người tham dự, trong đó có lãnh đạo các trường đại học và viện nghiên cứu tại Pháp, đều thống nhất quan điểm cho rằng ngoài việc công bố quốc tế, thì có nhiều hình thức khác để đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học. Các nhà nghiên cứu là giảng viên đại học có thể xuất bản sách, giáo trình phục vụ giảng dạy, hoặc có thể đánh giá qua kết quả ứng dụng cụ thể của nghiên cứu trong đời sống, cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Toạ đàm kết thúc vào lúc 13 giờ (giờ Paris) hay 18h (giờ Hà Nội và Phnompênh), sau 4 tiếng trao đổi sôi nổi không nghỉ.